Trà đạo và Giác ngộ
14/06/2019
Trà đạo là một nghệ thuật kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật. Hiển nhiên ở đây trà đạo, không đơn thuần là con đường, phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính và nhập định thiền để đạt giác ngộ.
Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ “Hoà, Kính, Thanh, Tịch”. Hòa có nghĩa hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Đó là sự hài hòa giữa trà nhân với trà thất, sự hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, sự hài hòa giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà. Kính là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn. Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh. Đó là ý nghĩa của chữ Thanh.
Khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tịch lặng, dù sống giữa muôn người cũng như sống giữa nơi am thất vắng vẻ tịch liêu. Lúc đó, thế giới với con người không còn là hai, mà cả hai đều vắng bặt. Đó là ý nghĩa của chữ Tịch. Bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường Trà đạo. Những người truyền tải và giúp khách thưởng thức nghệ thuật trà đạo chính là các Oiran và nay là geisha (Kỹ nữ). Để trở thành Orian hay Geisha họ phải trải qua một quá trình đào tạo khắc nghiệt để học các kỹ năng biểu diễn như múa, hát, đánh đàn shamisen, cắm hoa, mặc kimono, trà đạo, thư pháp, nghệ thuật phục vụ rượu và cách tiếp chuyện.
Thứ bậc cao nhất của Orian là Tayu, các kỹ nữ chuyên tiếp những người đàn ông giàu có và địa vị cao nhất trong xã hội. Những người phụ nữ có thể trở thành Tayu danh tiếng phải là những người có tri thức và trí tuệ, bởi họ cần sự hiểu biết và nhạy cảm để có thể trò chuyện với những vị khách học rộng hiểu nhiều. Những Tayu trong lịch sử đều là những phụ nữ nổi tiếng, không chỉ là hình mẫu của những Oiran khác mà còn là những người sáng tạo ra xu hướng nghệ thuật và thời trang mới cho các tiểu thư và quý bà trong giới thượng lưu.
Qua đây ta có thể thấy rằng chỉ một chén trà xanh nho nhỏ nhưng với người Nhật nó lại như một ốc đảo trong tâm hồn. Họ cho rằng thông qua trà đạo có thể phát hiện được giá trị tinh thần cần có của bản thân. Và chính những giá trị tinh thần “Hoà, Kính, Thanh, Tịnh" đó đã tạo nên sự thâm túy và tinh tế cho nghệ thuật trà đạo đến từ xứ sở hoa anh đào.
sư tầm
sưu tầm