Trà và bánh Wagashi là 2 món tiêu biểu và đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản. Nói đến trà của Nhật thì không chỉ đơn giản có trà xanh hay matcha, mà trong số đó còn phân loại ra nhiều loại khác nhau như sen cha, houjicha, genmai cha, hay matcha ….vân vân … Mỗi loại trà có đặc điểm riêng, có hương vị và cách bảo quản cũng như cách pha trà khác nhau. Để hiểu biết thêm về những loại trà của Nhật, mời các bạn đọc chi tiết bài viết sau nhé.
1. Các thành phần có trong lá trà
Chất Catechin tạo nên vị chát trong mùi vị trà, chất này có tác dụng giúp cơ thể có thêm chất đề kháng, để chống lại các loại virus hay vi khuẩn làm cho cơ thể người suy yếu và mắc bệnh
Chất Caffeine tạo nên vị đắng trong mùi vị trà, chất này có tác dụng giúp lợi tiểu và chống buồn ngủ, tác dụng này giống của cà phê nên đừng uống trà trước khi đi ngủ nhé, sẽ làm bạn mở mắt tròn xoe để mà đếm cừu đó.
Chất Tannin tạo nên vị béo và bùi trong mùi vị trà, chất này như 1 dạng chất béo nên giúp ta cảm nhận được vị ngọt bùi thơm ngon của trà.
Ngoài ra tùy nhiệt độ khác nhau, mà từng loại chất trong lá trà sẽ được chiết xuất ra lượng ít nhiều khác nhau. Như khi nhiệt độ nước nóng sẽ làm cho chất Catechin và Caffeine được chiết xuất ra nhiều, còn khi nhiệt độ nước nguội hơn nhưng thời gian để trà tiết chiết xuất ra lâu sẽ làm tăng lượng Tannin trong ly trà. Do vậy, tùy vào loại trà khác nhau mà ta phải sử dụng nhiệt độ nước khác nhau để có thể ly trà có hương vị, thơm ngon. Để biết thêm chi tiết, mời các bạn xem phần phân loại trà và cách pha từng loại trà ở phần tiếp theo.
2. Những yếu tố giúp pha trà thơm ngon.
- Nhiệt độ nước : ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của trà. Không phải chỉ cần đun nước sôi là đủ mà ta cần phải quan tâm đến nhiệt độ của nước sao cho phù hợp với từng loại trà. Ở những nhà hàng truyền thống của Nhật, họ sử dụng những bình nước sôi đặc biệt có gắn dụng cụ đo nhiệt độ để có thể chọn nhiệt độ thích hợp để pha được một bình trà thơm ngon.
- Nguồn nước: nguồn nước cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của trà. Mặc dầu cùng sử dụng 1 loại trà nhưng nếu bạn sử dụng nguồn nước ở Nhật thì trà pha ra sẽ có hương vị khác ly trà bạn pha từ nguồn nước ở Việt Nam. Ở những nhà hàng truyền thống của Nhật, có nơi sẽ ghi rõ chi tiết là trà của quán được pha từ nguồn nước tinh khiết lấy từ thượng nguồn trên suối vân vân … nên bảo đảm tách trà rất thơm ngon, đậm đà.
Đặc biệt, nếu bạn sử dụng nước máy để pha trà, thì sau khi đun sôi nước, nhớ mở nắp ấm 1 tí cho nước bốc hơi và vẫn giữ lửa cho nước sôi thêm 3 đến 5 phút nữa, rồi sau đó để nguội đến nhiệt độ mà bạn mong muốn. Với cách này bảo đảm những hóa chất trong nước máy sẽ bốc hơi hết, giúp cho nước trở nên tinh khiết và thơm ngon.
- Cách bảo quản: Nếu không bảo quản đúng cách thì chất lượng của trà sẽ trở nên kém phần thơm ngon, do vậy sau khi mở gói túi trà, bạn cũng nên quan tâm đến cách bảo quản trà cho kĩ càng.
Đối với các loại trà lá thì sau khi mở gói trà, bạn nhớ cột miệng bao lại kĩ càng, hoặc cho trà vào hộp đựng trà, đóng nắp kĩ để bảo quản. Sau đó cho hộp hay túi đựng trà ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Đối với bột trà xanh – Matcha Powder thì sau khi mở gói túi trà, bạn nhớ đóng túi lại kĩ càng, rồi cho vào tủ lạnh để bảo quản nhé.
3. Các loại trà phổ biến ở Nhật
Ở Nhật có rất nhiều loại trà khác nhau, nhưng trong đó phổ biến nhất là những loại trà sau:
Sencha : đây là 1 loại Ryoku cha, tức trà xanh của Nhật, với lá trà được hấp và sấy khô, sau đó cho vào bình , dung nước nóng để pha trà và giúp làm tiết xuất nhiều chất thơm ngon cho ly trà. Sencha là 1 trong những loại trà phổ biến nhất ở Nhật.
Gyokuro : đây là 1 loại Ryoku cha, tức trà xanh của Nhật, nhưng khác Sencha ở chỗ là cánh đồng trồng Gyokuro trà được che chắn với mái che nên giúp cây trà không bị nắng chiếu nóng, do vậy giúp tạo nên những lá trà xanh mướt, hảo hạng và thơm ngon. Gyokuro là 1 trong những loại trà hảo hạng và có chất lượng thơm ngon, nên giá khá đắt.
Houjicha: đây là 1 loại trà đặc biệt, được cho lên chảo rồi dung lửa lớn để rang nên lá trà có màu nâu đen, còn ly trà thì có mùi vị thơm ngon, nước trà có màu nâu sẫm và có vị đặc biệt hơi khét khét của lá trà. Hơn nữa, Houjicha không như Sencha và Gyokuro, không có nhiều vị đắng hay chát, nên để giúp chiết xuất hết các chất thơm ngon của trà thì ta phải dung nước thật sôi.
Genmaicha: là loại trà xanh được pha thêm với gạo rang chín nên ly trà khi pha ra có sự hòa trộn giữa mùi thơm của gạo và vị bùi bùi của trà. Như Houjicha, Genmaicha không có nhiều vị đắng và chát nên để pha trà ngon, ta phải dung nước thật sôi.
Matcha: Đây là loại bột trà, sử dụng loại lá trà hảo hạng ( lá của những cây trà được trồng dưới mái che chắn và không bị ánh nắng mặt trời thiêu nóng) để đem đi hấp, rồi sấy khô. Sau cùng sẽ cho vào cối để xay nát thành bột trà xanh, được gọi tên là matcha ( dịch theo chữ Hán ngữ là mạt trà) hay trong tiếng Anh thì gọi là matcha powder.
Bột matcha được sử dụng để làm bánh, kem hay pha matcha latte hay dung chổi (chasen) để pha matcha, thường được sử dụng trong trà đạo.
Matcha Powder
4. Cách pha trà:
Đối với các loại trà lá
Các bước căn bản để pha các loại trà lá như sau:
- Đổ nước sôi vào ấm và các ly trà để làm ấm tách và ấm trước.
- Sau đó đổ đợt nước đó đi, rồi cho trà vào ấm.
- Tiếp theo đổ nước sôi vào ấm, nhiệt độ nước thay đổi tùy vào từng loại trà.
- Đóng nắp ấm lại rồi để cho trà nở và chiết xuất tinh chất trà ra, thời gian cũng thay đổi tùy vào từng loại trà
- Cuối cùng đổ trà vào tách 1 cách nhẹ nhàng và đồng đều cho từng tách trà.
Chi tiết hơn, nhiệt độ nước và thời gian pha trà cho từng loại trà khác nhau như sau:
Sencha và Gyokuro: là loại trà tươi nên cần phải sử dụng nhiệt độ nước ấm vừa để tránh trà không tiết ra nhiều chất chát và đắng. Ngoài ra, trong nhiệt độ nước ấm, ta cần phải để trà nở ra trong thời gian hơi lâu 1 tí (từ 1 phút trở lên), để giúp trà tiết hết chất bùi béo và thơm ngon. Đặc biệt khi pha trà, nhớ không được cầm ấm trà quay vòng vòng hay run, sẽ làm chiết ra nhiều chất đắng và chát.
Nguyên liệu pha cho 4 tách trà là 12 g trà. 1 tách trà khoảng 80 cc
Nhiệt độ nước: khoảng 60 độ C (với Gyokuro) , và khoảng 80 độ C với Sencha. Nấu nước sôi rồi mở nắp cho nước nguội bớt rồi mới pha trà
Sau khi chế nước ấm vào bình trà thì đậy nắp khoảng 1 phút đến 2 phút để trà được hãm hết các chất trong lá trà.
Houjicha và Genmaicha: Là loại trà đặc biệt, đã qua sơ chế nên không còn nhiều chất đắng hay chát, do vậy ta nên sủ dụng nước thiệt sôi để pha trà, rồi hãm trà trong thời gian ngắn thôi, vậy thì mới cảm nhận được ngay những vị thơm đặc trưng, như mùi trà rang của Houjicha, và mùi gạo rang của Genmaicha.
Nguyên liệu cho 4 tách trà. 1 tách khoảng 80 cc là 12 g lá trà
Nhiệt độ nước: nước sôi 100 độ C
Thời gian đậy nắp để hãm trà là khoảng tích tắc 30 giây thôi nhé.
Cách pha bột trà xanh – Matcha Powder.
Nguyên liệu cho 1 chén trà khoảng 50 cc
Nước sôi khoảng 80 độ C
2 g bột matcha
Dụng cụ:
1 chén đựng trà truyền thống của Nhật
1 chổi pha trà (chasen)
Chasen – Chổi pha trà và chén uống trà đạo kiểu Nhật
Cách làm:
Bột matcha cho qua rây cho tan mịn đều.
Chén đựng trà cho vào ít nước sôi để làm ấm chén, rồi đổ nước đó đi.
Sau đó cho bột matcha vào chén, rồi nhẹ nhàng cho nước sôi để nguội đến 80 độ C vào.
Tiếp theo dùng chổi pha trà để khuấy đều matcha với nước. Cách khuấy bằng chổi là xoay khúc khủy tay, chứ không xoay nguyên cánh tay.
Rồi sau đó nhẹ nhàng xoay chổi theo hình xoắn ốc nhỏ dần cho đến trọng tâm của vòng xoay thì dần dần rút chổi theo chiều thẳng đứng.
Chén trà sau khi pha xong sẽ có nhiều bọt, tan đều, dùng kèm với bánh Wagashi truyền thống của Nhật thì rất phù hợp.